RSS
email

“360 độ Nhà trọ” ( kỳ I )

Theo Bộ GD-ĐT, tại TPHCM, số lượng chỗ ở trong ký túc xá (KTX) chỉ đáp ứng được cho 30% SV. Tuy nhiên để được vào ở ký túc xá không phải muốn là được “ SV phải qua xét duyệt gay gắt, với yêu cầu phải thuộc diện xóa đói giảm nghèo, khó khăn, vùng sâu vùng xa…”. Chỉ một số rất ít may mắn có chỗ ở trong KTX, còn hàng chục ngàn SV khác vẫn lao đao tìm chỗ ở. Biết không có chỗ trong KTX nên nhiều phụ huynh phải đưa con em mình đi tìm nhà trọ. Khối lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Tp.HCM phần lớn là dân tỉnh. Do đó, việc tìm được một chỗ trọ gần trường, phù hợp với nhu cầu cơ bản và nhất là hợp với túi tiền bé nhỏ cũng là điều bức xúc lớn đối với họ. SV mới thì ngày càng tăng, trong khi các cử nhân ra trường tiếp tục bám trụ tại TP xin việc, do đó nhu cầu nhà trọ thực sự nóng bỏng.
Cánh sinh viên chia ra một năm có hai mùa thuê nhà trọ. Thường vào đầu năm học khoảng tháng 8, tháng 9 là rôm rả: Người người đi thuê, nhà nhà cho thuê. Nguyên nhân tạo nên cơn sốt nhà mùa này là do các tân sinh viên nhập học tạo ra một khối lượng nhu cầu về nhà ở khá lớn. Thêm nữa, các sinh viên cũ (tức là những sinh viên năm 3 trở đi) không được ở ký túc xá nữa cũng buộc phải vác chăn màn quần áo mà đi kiếm lấy chỗ dung thân. Còn mùa thuê nhà lần hai trong năm là khoảng sau Tết, bắt đầu tháng 3, tháng 4. Vào khoảng thời gian này cánh sinh viên năm cuối đi thực tập nên số lượng phòng trống nhiều. Lại theo "truyền thống" từ ngày xưa: Các "sĩ tử" của năm trước thường chọn thời điểm này khăn gói đến các trung tâm luyện thi nên cũng tạo nên một mùa thuê nhà trọ nhộn nhịp.

Các bạn sinh viên ở Tp.HCM có 2 cách để tìm nhà trọ, đó là đến Trung tâm Hỗ trợ sinh viên hoặc tìm thông tin trên báo Mua và Bán. Tuy nhiên, số lượng phòng mà Trung tâm này giới thiệu cũng rất hạn chế. Một cán bộ phụ trách bộ phận Nhà trọ của Trung tâm cho rằng có một số chủ nhà đang "găm nhà chờ giá" khiến cho tình trạng nhà trọ đầu năm học này càng trở nên khan hiếm. Căng thẳng nhất là nhà trọ cho sinh viên các trường thuộc khu vực quận 1, 3 và 5 Tp.HCM.
Trong khi đó, nếu tìm nhà trọ theo cách thứ hai thì "thường gặp phải nạn cò nhà". Bạn Nguyễn Minh Nhật, sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa Tp.HCM cho biết: "Trước khi đi xem nhà, tôi phải bỏ ra 50 ngàn đồng cò mới chịu dẫn đi, còn chuyện thuê được hay không thì họ không cần biết". Có lẽ đó là lý do cho cánh sinh viên kể cả có tiền nhưng cũng quyết không đến các trung tâm mà tự mình dong duổi đi tìm một mái ấm cho mình.

Nếu muốn thì ở ghép với giá 300 ngàn đồng/người, đó là chưa tính tiền điện, nước phải trả với giá 2.500 đồng/KWh và 30 ngàn đồng/người tiền nước. Cộng một tháng chi phí cho chỗ ở gần 400 ngàn đồng!
Với mức giá như thế sinh viên gia đình nông thôn khó lòng kham nổi. Do vậy, phải ra các quận ngoại thành thuê nhà: Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận... Tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3, một căn hộ rẻ nhất cũng có giá 2-2,5 triệu đồng/tháng.
Các cụ vẫn thường bảo: "An cư rồi mới lạc nghiệp", vậy nên công cuộc đi tìm nơi an cư của dân trọ cũng có bao điều phải nói. Nhà cho thuê thì nhiều nhưng người đi thuê cũng lắm, và không phải ai cũng có thể kiếm được cho mình một căn phòng như ý.

Sau nửa tháng đi tình nguyện về, Thắng hăm hở nhận lời với đứa bạn cùng phòng sẽ ở lại chịu trách nhiệm tìm một căn phòng mới để đầu năm học thoát khỏi cảnh “đêm thấy (nhà) ta là thác đổ" vào mùa mưa nữa. Tuần đầu tiên bon bon với con Wave tàu chán chê, nhịn cả ăn để đổ xăng vậy mà cũng chẳng được cái gì. Đang bơ vơ, chán nản thì gặp ông anh họ đang học năm cuối bên ĐH Bách khoa - một chuyên gia ở trọ từ năm nhất "Cứ nhảy lên xe máy mà phóng vèo vèo thì đến tết công - gô cũng đừng mong có lấy cái lều đâu. Đi tìm nhà thì phải đi xe đạp thì mới len lỏi vào các ngõ ngách được". Cũng may, sau 2 ngày đạp xe thì Thắng cũng tìm được cho mình cái nhà tạm ổn.
Nhà trọ luôn trong tình trạng quá tải do nhu cầu luôn cao hơn với nguồn cung, nhưng thực sự thời điểm gọi là “sốt” là thời điểm tuyển sinh ĐH, CĐ và năm học mới.

Không phải đợi đến tháng nhập học (tháng 9), mà trước đó một tháng (tháng 8) tìm nhà trọ đã đi vào hoạt động. Sinh viên cũ tìm nơi ở mới phù hợp hơn, những tân sinh viên biết chắc là mình đậu nên cũng đã nhờ người thân ở Hồ Chí Minh “đặt cọc” trước cho mình một phòng, hay có bạn còn cất công ra để tìm thuê nhà trọ trước.

Kiên (ĐH Sư phạm HCM) sau nhiều ngày đội nắng dầm mưa, may mắn thay cuối cùng cũng được 1 chú xe ôm chỉ cho căn nhà gần đấy. Hăm hở đi tìm địa chỉ cuối cùng là 1 khu nhà trọ khá rộng. Đọc bản nội quy, đến dòng cuối cùng chữ vừa to vừa đậm: “Nếu vi phạm đừng trách chủ nhà ác!”Kiên quay xe đi thẳng “ở trong nhà có vẻ ưa bạo lực như vậy chắc chẳng toàn mạng mất”…

“Mẹo nhỏ” thuê nhà trọ:
- Điều đầu tiên là nên đi bộ hoặc đi xe đạp, như vậy bạn mới không ngại len lỏi vào các ngõ ngách hoặc dừng lại để hỏi thăm. Hơn nữa bạn sẽ ít có khả năng bị chủ nhà “chém đẹp" khi họ nhìn thấy biểu hiện "Nhà có của ăn của để” ở bạn.
- Quán nước ven đường của các bà, các chị là một trong những trung tâm thông tin lớn nhất về nhà cho thuê. Kinh nghiệm cho thấy, lân la ở những quán cóc này khả năng kiếm được nhà rất cao, khoảng 80%.
- Vấn đề không kém phần quan trọng trong việc thuê nhà là nguồn nước: nhớ phải xem xét kỹ nguồn nước từ màu sắc của nước cho tới khả năng cung cấp cho nhu cầu của bạn. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nhan sắc của bạn thì rất nên chú ý. Kế đó phải chú ý xem cái WC xem "nó" có an toàn và đảm bảo không.
- Hàng xóm cũng là một nhân tố đáng kể, tốt nhất là sinh viên thì nên ở cùng với sinh viên. Chứ nếu hàng xóm phần nhiều thì là dân đi làm hoặc lao động thì cũng "xin kiếu". Bởi lịch sinh hoạt của các tầng lớp này khác với chúng ta rất nhiều.
Tóm lại, nếu bạn tìm được một cái nhà ưng ý thì giữ bộ mặt ngây thơ làm thân với một ma cũ và hỏi xem khu trọ này thế nào đã rồi hãy quyết định. Tránh tình trạng lỡ sa chân rồi thì khó mà rút ra ngay được.

Hồng Nhung
đón xem tiếp kỳ 2, kỳ 3 trong những ngày tới...

Bookmark and Share

0 comments:

Post a Comment