Tôi về tới nhà vừa kịp lúc cơn mưa ào ào đổ xuống. Mà cũng lạ, trời vừa ầm ầm, mưa trắng trời trắng đất đó, chỉ một thoáng chốc lại tạnh ngay. Ở Sài Gòn này mưa là thế đó. Mưa không ậm ừ báo hiệu để cho người ta biết mà chờ trông, nó cứ thế ào ào trút xuống mỗi khi muốn ghé thăm, rồi sau đó lại tự lau khô mình trong giây lát. Sống bao năm ở Sài Gòn này, tôi không biết mình đã bao lần “hứng chịu” cái tính khí thất thường ấy của mưa. Tôi lên phòng, mở cửa sổ để đón khí trời sau cơn mưa vào lòng mình. Sắc trời xanh trong hẳn, thật, đẹp một cách tinh khôi. Không hiểu sao bỗng dưng mắt tôi lại thấy cay cay. Giờ này ở quê, chắc mùa lũ đã về rồi.
Tôi rời quê vào thành phố năm 9 tuổi. Tuổi thơ của tôi chắp vá những mảng đồng xanh ngát quê hương và những con đường nhộn nhịp còi xe chốn đô thành. Lớn lên trong lòng phố, tôi đâm yêu từng con dốc nhỏ nơi này, đâm yêu những con đường xe như mắc cửi, yêu từng góc phố, từng con đường mỗi bước tôi qua. Nhưng trong tim, quê hương vẫn là một nỗi nhớ nhung rát buốt.
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai xa cũng nhớ thật nhiều”
Tôi thì đủ lớn để thôi không hỏi những câu “con nít” như thế nữa. Nhưng quê hương vẫn là một phạm trù khó định nghĩa lắm. Tôi chỉ biết ở đó có ngoại tôi, có ngôi nhà nhỏ khuất trong khu vườn xanh mướt, có một phần tuổi thơ êm đềm dịu ngọt, có lũ bạn bè chân quê tốt bụng, có mùa lũ,…và có cô Hạ - cô Hạ của tôi.
Cô không phải một cô tiên, hay ít nhất tôi sẽ không chọn cách ví von như thế. Bởi lẽ cô tôi không có phép biến hình, cô cũng không có phép màu biến giấc mơ thành hiện thực. Cô tôi chỉ có vốn kiến thức sâu thâm, chỉ có những kinh nghiệm sống và chỉ có một tấm lòng yêu thương đủ để cho đi mà không cần nhận lại. Cô bày cho lũ trẻ quê mùa chúng tôi những nét chữ, những phép tính đầu tiên. Cô dạy cho chúng tôi biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương tôn trọng mọi thứ quanh mình, biết nỗ lực để đạt được ước mơ, biết sống mà không ngừng hy vọng, biết…ôi, nhiều thứ lắm!
Cô cũng không phải mẹ hiền. Đơn giản thôi, vì cô vốn không phải là mẹ của tôi, và vì đôi lúc cô cũng nổi giận và cho tôi ăn roi đau điếng. Nhưng cô yêu thương tôi, cái tình yêu thương bằng trời ấy thể hiện qua những hành động rất đỗi đời thường. Cô sẽ đỡ tôi dậy khi tôi ngã, sẽ lau nước mắt cho tôi; khi tôi bi bô bi ba khoe cô một con điểm tốt cô sẽ xoa đầu, hay chỉ đơn giản là cách cô cầm tay chăm chút cho tôi viết từng con chữ một…Cô cũng bắt tôi xòe tay và sẵn sàng vút vào tay tôi, khi tôi lười học hay khi tôi làm sai, biết sai mà không chịu nhận lỗi của mình.
Cô chỉ là cô thôi, người cô chỉ dạy tôi hai năm đầu tiên trong cuộc đời đi học nhưng lại yêu thương tôi cả một đời, người cô hằng ngày vẫn ghé nhà chở tôi đến trường vì thương cảnh gia đình tôi đơn chiếc (bố mẹ tôi lên thành phố làm việc khi tôi còn rất nhỏ, tôi sống với ngoại), người cô đầu tiên dạy cho tôi cách “sống” chứ không chỉ đơn thuần là cách “tồn tại”, người cô mà cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên được.
Năm 9 tuổi bố mẹ đón tôi lên thành phố học. Tôi chào giã từ quê hương cũng trong mùa lũ. Tôi không còn những ngày lon ton theo đám bạn “đuổi bướm cầu ao”, cũng không còn nữa những ngày ngồi sau xe cô tới trường. Tôi thi thoảng vẫn viết thư cho cô, thường thì cô sẽ động viên tôi phấn đấu học hành, đôi lúc nhắc lại chuyện xưa, thửa hai cô trò vẫn thường cùng nhau học tập. Cô cũng hay nhắc mỗi năm mùa lũ quê mình, tôi biết những lúc thế cô buồn nhiều. Mùa lũ nhiều năm trước đó, chồng và con gái cô theo nước lũ rời xa cô mãi mãi. Ký ức đôi khi là những câu chuyện buồn đến day dứt, cô Hạ của tôi từ đó mang những nỗi đau nặng trĩu mỗi lúc lũ về. Tôi không biết cách gì an ủi cô, đứng trước nỗi đau quá lớn của cô, tôi bé nhỏ nào có thể làm gì được. Hôm cô hay tin chồng và con gái bị lũ cuốn, tôi đứng cạnh cô, tay cô xiết tay tôi chặt. Cô Hạ của tôi mạnh mẽ như một cây thùy dương trước phong ba bão táp, cô không khóc nhưng trong hồn cô, có lẽ có một cái gì đó đã chết rồi.
Một năm nọ tôi không nhận được thư cô nữa. Tôi viết thư về hỏi ngoại, ngoại chỉ nói “cô bây giờ bận rộn lắm, chẳng hơi đâu viết thư cho mày hoài”. Tết ấy tôi về thì hay tin cô mất rồi. Cô cũng theo cơn lũ ra đi, bỏ lại tôi với nỗi ám ảnh mỗi năm mùa lũ tràn về. Tôi trách ngoại, nhưng cũng chẳng giận được lâu. Ngoại nào có lỗi gì đâu! Tôi ra mộ cô, không hiểu sao cũng không rơi một giọt nước mắt nào. Lúc ấy thì tôi hiểu, sao cô không khóc ngày cô mất chồng và con gái mình. Khi ngươi ta mất đi những gì quý giá nhất thì trong lòng còn lại gì để mà rơi nước mắt nữa đâu…
Giờ này ở quê, chắc họ hàng người thân và những lớp học trò cũ cũng sắp làm giỗ cho cô. Mùa lũ về hằng năm, nhưng biết bao giờ nó mới bào mòn nỗi ám ảnh trong lòng con, cô nhỉ?
Vũ Hồng Phương Thảo
KDQT4 - K33
2 comments:
Bạn Thảo ơi!
Đọc những dòng của bạn xúc động quá; lời văn thật mộc mạc và gần gũi.
Cảm động wá
Post a Comment