RSS
email

Kí ức

Trời đã dần về khuya. Không gian tịch mịch, nặng nề bao trùm lên khu phố nhỏ bé. Khung cảnh càng trở nên cô liu, quạnh quẽ, cái khung cảnh ấy cứ thoát ẩn, thoát hiện chập chờn dưới những ánh đèn đang chiếu sáng trên con đường xa thẳm, hun hút, tưởng chừng như nó đang chạy thẳng vào tâm hồn nhỏ bé của tôi. Màn sương mỏng manh hoà vào trong màn đêm, len lỏi vào từng tán cây, bụi cỏ, len vào những con hẻm xa xăm, và không biết tự lúc nào, cái lạnh giá của tiết trời đã vào sâu trong tâm hồn của một cậu học trò mới rời xa làng quê yêu mến để bước vào một nơi hoàn toàn mới mẻ, xa lạ– chốn phồn hoa đô thị, đầy cam go và thử thách. Một mình trong căn phòng nhỏ bé, dưới ánh đèn sáng dịu, tôi cảm thấy lẻ loi, cô đơn và nhớ…

Tôi đưa mình ra khung cửa nhỏ và nhìn bầu trời đêm. Những áng mây cứ trôi mãi về đâu, còn riêng tôi về đâu nơi chốn xa lạ này? Cái cảm giác bồi hồi chợt đến, rồi chợt tan biến nhanh, tôi buồn nhưng không biết vì đâu?. Không khí vẫn lạnh lẽo, rồi bất chợt, một làn gió nhẹ thoảng qua làm tôi se lạnh. Và ở trên trời cao, ánh sáng chan hoà của vầng trăng khuyết lan toả khắp không gian, len vào khung cửa sổ – nơi tôi thường đứng suy tư, nghĩ ngợi một mình, chỉ một mình thôi! Những giọt sương đêm dần dần đọng lại trên những chiếc lá nhỏ xinh, trên cây hoa lan, hoa lài đang nở hoa và toả hương thơm ngào ngạt, trên cả những cây hoa non xanh mơn mởn mà tôi đã đem từ quê nhà lên đây– một món quà kỉ niệm từ làng quê thương mến của tôi, tất cả hoà vào ánh sáng càng làm cho khung cảnh về đêm nơi góc phố nhỏ càng trở nên thơ mộng.

Tôi hít một hơi dài rồi từ từ, nhẹ nhàng thở ra. Tôi cảm nhận được rằng : không khí ở đây khá là ngột ngạt, không trong lành như ở quê tôi, và cuộc sống ở đây quá xô bồ, quá phức tạp, không yên bình như môt vùng quê mà tôi đã sống trước đây.

Mới đó mà đã gần nửa năm từ khi tôi rời xa mái trường phổ thông, rời xa gia đình, thầy cô, bạn bè, rời xa tất cả với bao kỉ niệm vui buồn của thời áo trắng ngây thơ!

Ôi! Một thời để thương, và một thời để nhớ!

Bởi bao dáng hình thầy cô đứng trên bục giảng cứ mặc cho bụi phấn bay bay. Bao vẻ hồn nhiên, ngây thơ của những đứa học trò đang chăm chú nghe giảng bài, và cả những hàng cây thẳng tít với những chiếc là vàng, đang chờ những cơn gió để mang nó đi xa, vẫn ghế đá, hành lang, vẫn gian phòng đó, ngôi trường đó, nhưng người xưa giờ ở nơi đâu?… Chúng tôi lìa xa mái trường yêu mến, chập chững từng bước đi đầu tiên vào đường đời đầy chông gai, thử thách, dù mỗi chúng tôi có những ước mơ riêng, những hoàn cảnh riêng, nhưng bao giờ chúng tôi vẫn nhớ về mái trường cũ, nhớ về thầy cô, bạn bè. Có lẽ, tuổi học trò là trong sáng, thanh khiết nhất, và những dấu ấn ấy sẽ đi sâu vào trong tâm trí tôi, không bao giờ phai nhạt.

Khoảng lặng ấy sẽ là lúc ta suy tư

Ta nhìn lại một thời đã qua,

Thời học sinh, thời áo trắng ngây ngô,

Và những tâm hồn thơ dại …

Tôi vẫn nhớ mãi một ngày. Lúc đó tôi chỉ mới vào lớp mười, còn nhiều bở ngỡ lắm. Như thường lệ, sau khi sinh hoạt dưới cờ là chúng tôi về lớp, mọi người đều cảm thấy phấn chấn, hồ hởi vì tuần này lớp mình lại được xếp hạng nhất. Thầy chủ nhiệm đã từng bảo rằng: “ Đây là lớp giỏi đầu tiên mà tôi được chủ nhiệm.” Chúng tôi thích lắm. Nhưng hôm nay, thầy bước vào lớp với một vẻ mặt nghiêm túc, không có một nụ cười. Rồi thầy bảo rằng : có một học sinh đã xúc phạm đến danh dự của thầy mà thầy tình cờ được biết. Thầy buồn lắm, tôi thấy được sự buồn bã lẫn sự tức giận hiện lên trong đôi mắt của thầy, thầy nói một câu : “ thầy xin từ bỏ trách nhiệm làm thầy chủ nhiệm của lớp này!”. Cả lớp học im phăng phắc, trong giây phút ấy không ai nói một lời nào cả. Chúng tôi rất bất ngờ và sửng sốt khi nghe điều ấy. Rồi … khoé mắt tôi cay cay, giọt nước mắt cứ đua nhau rơi xuống, từng giọt, từng giọt … Các bạn khác cũng khóc theo. Đó là một sự đả kích không nhỏ, bởi dù chỉ một thời gian ngắn chúng tôi là học trò của thầy, nhưng chúng tôi rất yêu quý và kính mến thầy, khi nghe thầy nói thế, không ai có thể cầm lòng, và ….Cuối cùng, thầy cũng quyết định ở lại. Nhưng tôi biết rằng, từ sâu trong tâm hồn thầy điều ấy vẫn còn tồn tại , nó như những mũi kim mà hàng ngày lại đâm vào tâm hồn thầy làm cho đau đớn, tuy thầy không nói ra, nhưng tôi vẫn thấy lo, lo rằng một ngày nào đó thầy sẽ bỏ lại lớp tôi. Rồi một ngày kia, thầy bảo rằng: thầy sẽ không dạy học nữa để tập trung cho kỳ thi lên cao học. Chúng tôi buồn lắm, vì sự thật đã phơi bày trước mắt, nhưng biết làm sao hơn, đành từ biệt thầy và cầu chúc cho thầy gặp nhiều may mắn trên con đường thầy đã chọn.

Kể từ đó, tôi chẳng mấy lần gặp được thầy, nếu có gặp nhau thì chỉ vài giây ngắn ngủi thôi. Hỏi thăm bạn bè thì cũng không có tin tức gì. Chẳng biết bây giờ thầy có khoẻ không? Thầy có nhớ đến những đứa học trò cũ không? Và “Thầy có biết, con nhớ thầy lắm không?”…

Chiếc lá vàng sao nỡ vội lìa cành,

Để cây buồn vì nỗi phải lìa xa,

Hành lang ấy sao cô đơn quạnh quẽ,

Chắc là vì đã xa một bóng hình,

Thầy đi xa vì tương lai hạnh phúc,

Có khi nào thầy nhớ đến trường không ?

Ở nơi đó vẫn đong đầy thương nhớ,

Biết bao giờ thầy thăm lại chốn xưa ?

Khi thầy đi rồi, lớp tôi không còn vui vẻ như ngày nào nữa, rồi kết quả thi đua cũng dần kém đi. Cả năm lớp mười, chỉ có chín tháng thôi, một thời gian không quá dài, thế mà lớp tôi lại có đến ba người chủ nhiệm, điều ấy tôi không biết phải là điều may mắn hay không? Hay lớp tôi chỉ đơn thuần là một đứa trẻ bơ vơ không tìm thấy một mái ấm cho riêng mình?!…

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, phút chốc chúng tôi bước vào năm học cuối cấp với tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng. Giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi lại là một người thầy. Người khác hay bảo thầy là khó khăn, hơi “ Ác” trong các bài kiểm tra, nhưng bản thân tôi lại có một cái nhìn tích cực hơn nhiều. Thầy vẫn khó đấy chứ, nhưng suy cho cùng thầy cũng muốn chúng tôi đạt được kết quả tốt trong việc học tập, các bài kiểm tra trên lớp đều do thầy soạn cả. Tôi được thầy chọn làm lớp trưởng, rồi bí thư, kể cả lớp phó học tập, thủ quỹ tôi đều làm hết cả. Tôi rất vinh dự và rất hài lòng về bản thân khi tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các bạn trong lớp đặt cho tôi biệt danh rất dễ thương, “ Ông già làng” của lớp 12A1, hay“ Lớp trưởng gương mẫu” của lớp tôi, còn gì vui sướng hơn điều này nữa? Tuy có lúc hơi nóng nảy, khiến bạn bè phải sợ, nhưng điều đó có thể là điều mà bạn bè tôi nhớ nhất và sẽ không bao giờ quên được. Có những buổi học, nhỏ bạn ngồi sau lưng buồn ngủ vì đêm qua phải thức khuya để phụ mẹ làm việc, nên nhờ “ Bóng quan lớn” che khuất “ Tầm nhìn của các anh các chị”, nên cô nàng đánh một giấc ngon lành. Rồi giờ kiểm tra, nhất là giờ của thầy hiệu trưởng, lớp chúng tôi rất đoàn kết trong việc hỗ trợ nhau làm bài, hỗ trợ nhau “ Chép túi bụi”, hay giờ kiểm tra miệng, bạn nào ngủ quên, không học bài kịp thì cũng không sao cả! Lấy tập bạn nào viết đầy đủ, chữ to, đẹp để đầu bàn nhất, cứ thế mà đọc, đọc nhanh thật nhanh, đọc “ Tùm lum”, cho thầy không nghe kịp để khỏi “ Bắt bẻ”, vả lại, thầy hiệu trưởng bị viễn thị nên không nhìn rõ quyển tập đó để xuôi hay để ngược, vui ghê…

Giờ lịch sử là lớp tôi phải rất tập trung để có thể hiểu được bài. Lời giảng của thầy rất sâu sắc, thầy phân tích từng chi tiết cụ thể cho chúng tôi nghe. Nhờ thế, lớp tôi rất vinh dự được thầy chọn làm lớp tiên tiến vì lớp tôi đều đạt kết quả tốt qua các kỳ thi. Điều đó cũng nhờ sự chỉ dạy hết lòng của thầy và sự nỗ lực hết mình của mỗi chúng tôi. Nhờ chăm chỉ học môn lịch sử mà bộ môn lịch sử Đảng trong trường đại học tôi thấy không vất vả nhiều. Tôi thầm cảm ơn thầy. Có một ngày, tôi từ quê lên thành phố, chạy ngang ngôi trường cũ, chợt thấy những tà áo dài, những cô cậu học trò đang tan trường, tôi thấy mình đang hoà vào không khí ấy, đang tan học như thuở nào. Xe chạy được một quãng đường khá xa thì bỗng dưng tôi nhìn thấy thầy dạy lịch sử. Vẫn dáng người ấy, quầy áo này, vẫn gương mặt hơi già đi vì sương gió, và chiếc xe máy cũ kĩ, thầy đang đi trên con đường quen thuộc mà hàng ngày thầy vẫn đến trường để dạy học. Chỉ một thoáng chốc thôi, nhưng phần nào cũng làm tôi nhớ đến dĩ vãng xa xôi. Tôi chỉ kịp gọi một tiếng “ Thầy! ” và một nụ cười tươi tắn, và thầy nhìn tôi với ánh mắt thật trìu mến, chan chứa tình thương, ánh mắt ấy như muốn nói bao điều cùng một nụ cười– một nụ cười khi thầy vui, khi thầy thấy chúng em vui, khi gặp lại người học trò cũ của thầy!!! … Tôi thầm nói: “ mong rằng thầy sẽ có nhiều sức khoẻ, nhiều may mắn trong cuộc đời này!”, “Chắc là thầy cũng sẽ thấy vui lắm nhỉ ?”, tôi tự cười một mình, rồi hình như tôi cảm thấy khoé mắt cay cay…

Từ khi biết mình đã trúng tuyển vào trường đại học, tôi rất vui mừng. Lúc nhận giấy báo nhập học tại trường, tôi và các bạn khác trong lớp đã gặp thầy chủ nhiệm, tuy là rất bận, vừa mới dạy xong thôi, nhưng thầy cũng nán lại nói chuyện với chúng tôi suốt thời gian ra chơi. Tôi vẫn thấy thầy thật quen thuộc, vẫn một đôi dép màu xanh đã cũ, một tấm áo đã sờn vai, một chiếc quần đã bạc màu và không được ủi thẳng, vẫm một nét mặt tươi vui như ngày nào thầy đến lớp, và bất chợt tôi chợt nhận ra, tóc thầy cũng đã bạc đi mấy phần. Hàng ngày, thầy vẫn đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ, trên gương mặt đã điểm đồi mồi lại lấm tấm những giọt mồ hôi và đôi khi những giọt mồ hôi ấy lại lăn dài trên hai hỏm má hốc hác của thầy, rồi chiếc áo cũng thấm đầy mồ hôi. Vào một ngày kia, thầy đã đi tìm tài liệu cho chúng tôi học, đường đi rất xa, trưa nắng gắt, mà vì những đứa học trò thân yêu của mình, thầy vẫn cứ đi. Khi trở về, mặt thầy đỏ bừng vì nắng, mồ hôi vấy ra như tắm, trên vai thầy là một cái túi xách, trên tay thầy là một đống tài liệu. Chúng tôi cảm thấy thương thầy biết bao, thật là cao cả cho tấm lòng người thầy của tôi! Một đứa bạn chợt nói “ Tội cho thầy quá!”. Chúng tôi khuyên thầy nên ngồi nghỉ, rồi giúp thầy phát tài liệu cho từng bạn, bây giờ thầy mới ngồi xuống ghế và rút trong túi một tấm khăn và lau vội những giọt mồ hôi…

Thầy tôi đang vật vã, chống chọi lại một căn bệnh – căn bệnh tim đang giày vò thầy hàng ngày. Có những giờ đang giảng bài, bỗng nhiên mặt thầy đỏ bừng bừng, mồ hôi vấy ra đầy cả mặt, thầy phải nằm xuống nghỉ ngơi, chúng tôi lo lắng lắm, nhưng thầy bảo rằng : “ Thầy không sao!”. Thầy mắc bệnh đã khá lâu, nhưng bây giờ chúng tôi mới được biết, thật đáng trách cho những đứa học trò của thầy, “ Phải không thầy?”.

Tuy mệt mỏi lắm nhưng thầy vẫn đến lớp đều đặn, vẫn giảng dạy cho những đứa học trò chúng tôi, tấm lòng của thầy thật lớn lao, thầy ví như một vầng mặt trời ấm áp đang sưởi ấm cho những tâm hồn bé nhỏ, nếu như được so sánh, thì tôi xem thầy như là một người cha thứ hai của mình vậy!. Đôi lúc, tôi thấy thầy vẫn vui vẻ, nhất là ngày cắm trại 26-03, có lẽ ngày ấy là ngày chúng tôi nhớ nhất. Thầy mặc bộ đồng phục riêng của lớp tôi, trên lưng áo có hai chữ “ Thăng tiến”, Thăng là tên của thầy, thầy vui lắm, và chiếc áo rất riêng ấy tôi vẫn còn giữ, để xem là một kỷ vật đánh dấu cho sự gắn bó, đoàn kết của lớp 12A1. Thầy tham gia rất nhiệt tình các trò chơi, chưa bao giờ tôi thấy thầy vui như thế, thật tuyệt vời khi chúng tôi có được những giờ phút ấy!. Và những buổi lên lớp, những buổi sinh hoạt, thầy cũng dành nhiều thời gian để giảng về đạo đức, tư cách, nhân phẩm của một con người, trách nhiệm dạy chữ- dạy người thầy luôn đặt ngang nhau. Có nghe được những lời vàng ngọc ấy mới thấu hiểu tâm hồn cao quý, trong sáng của thầy tôi. Giờ đây, tôi có muốn nghe lời nói của thầy cũng thật là khó khăn. Không biết giờ này thầy đang làm gì nhỉ ? Chắc là thầy vẫn đang miệt mài bên trang giáo án. Chắc thầy cũng gầy đi nhiều và tóc thầy cũng bạc thêm. Ôi! Hình ảnh ấy không bao giờ tôi có thể quên được!…

Tháng cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh là thời gian chúng tôi vất vả nhất. Mỗi ngày đến nhà thầy học thêm, củng cố lại kiến thức. Lớp học rất đông nhưng vẫn không có tiếng nói chuyện riêng hay đùa giỡn nào cả. Gian phòng giờ chỉ còn nghe tiếng giảng bài của thầy mà thôi. Rồi khi tan học chúng tôi vào nhà của một đứa bạn trai để nghỉ ngơi và ăn trưa. Vì nhà chúng tôi cách xa nhà thầy dạy toán nên mỗi đứa tự chuẩn bị bữa trưa cho mình. Đứa thì đem cơm, đem canh, đứa thì đem cá kho, thịt kho, đem cả trái cây nữa… bày ra trước mặt rồi cùng ăn ngon lành. Tuy ăn uống có vẻ hơi thất thường nhưng vẫn cảm thấy vui vui. Rồi cùng ngồi trò chuyện, cùng học nhóm, giây phút ấy giờ muốn tìm lại cũng không được, giây phút ấy thật đáng quý biết bao! Cả ngày chúng tôi đều đi học, ít có bạn nào ở nhà. Có hôm đến tối mới tan học. Tôi chợt nhớ đến một ngày mưa dầm tầm tã, kèm theo gió giật mạnh và sấm chớp. Chúng tôi chợt ghé vào một quán nhỏ bên đường để trú mưa. Cơn mưa ngày càng nặng hạt, thỉnh thoảng lại tạt vào người chúng tôi. Trời tối hơn, không còn nhìn thấy rõ nữa, đèn của chiếc xe máy giờ chỉ còn là một con đom đóm nhỏ bé, thoát ẩn, thoát hiện trong làn mưa dày đặt. Thấy trời đã dần về khuya, chúng tôi rủ nhau dầm mưa về. Tôi vội trao cho cô bạn gái cùng lớp chiếc đèn pin, bởi nhà bạn ấy xa lắm, lại ở trong con đường nhỏ tối lắm, nếu đi một mình về thì thật là nguy hiểm. Chúng tôi lao ra khỏi cái quán nhỏ, những hạt mưa cứ táp vào mặt, và có lúc những cơn gió giật mạnh làm tôi lạnh buốt… Một ngày nọ, tôi chợt nghe tin một bạn gái trong lớp tôi không đỗ được kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi thấy buồn lắm. Rồi bạn ấy bật khóc, khóc thật nhiều. Bạn ấy không ngờ kết quả lại như thế. Rồi cơn mưa vô tình kéo đến, từng giọt mưa như làm tăng thêm nỗi buồn thương trong lòng, các bạn gái cùng lớp an ủi, rồi cũng bật khóc theo. Chúng tôi đưa bạn ấy về nhà, động viên, chuyện trò rất lâu… Đến ngày thi lại, bạn ấy đã cố gắng hết sức, và đã đỗ, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, bạn ấy rất vui mừng, còn mời chúng tôi vào nhà chơi, tôi cũng cảm thấy vui lây… Tôi nhớ làm sao những ngày ấy, những ngày cùng nhau vui đùa, nói chuyện tâm tình, chia sẻ những kỉ niệm buồn vui, cùng nhau đi chơi, những buổi đi chèo thuyền hái trái bần chua, rồi chèo ra giữa sông để cho dòng nước cuốn trôi con thuyền, rồi có bạn té sông, những buổi liên hoan… tất cả những kỷ niệm ấy làm sao tôi có thể quên được!

Thời gian trôi qua, không chờ đợi một ai, bây giờ muốn gặp nhau thật là khó, thì những lúc nhớ nhau, tôi chỉ có thể ngắm nhìn những bức ảnh của lớp tôi mà thôi. Trong gian phòng hiện tại của tôi, trên những bức tường, tôi treo đầy những bức ảnh của tôi, của gia đình, thầy cô, bạn bè. Có lẽ bức ảnh tôi và thầy chủ nhiệm là bức ảnh mà tôi thích nhất, rồi có bức ảnh của một bạn gái dể thương của lớp tôi khi còn nhỏ, rồi bứa ảnh của thầy chủ nhiệm năm lớp mười… và đôi khi, tôi lại đọc những dòng nhật ký về lớp mình, những bài thơ như thay cả lời muốn nói :

“ Khi người ta nói lời chia tay

Ai không cảm thấy ngậm ngùi, quyến luyến

Như chúng ta khi nói lời từ biệt

Bạn nhìn tôi với đôi mắt thật buồn.

Đôi mắt ấy ngày xưa xa lạ lắm,

Bỡ ngỡ nhìn, trông lạ mà quen,

Đôi mắt ấy, ngày nay gần gũi lắm,

Bạn nhìn tôi như muốn nói bao điều .

Bạn với tôi ngày mai đi hai hướng

Kỷ niệm xưa, hãy khắc mãi tim mình

Dòng lưu bút dẫu phai màu vết mực

Hãy nhớ hoài, đâu đấy dáng người xưa.”

Diệu Hiền

“ Những ngày cuối cùng nhau ngồi lại

Lưu bút chuyền tay viết thay lời

Những tâm tình một thời cắp sách

Gởi cho nhau kỷ niệm học trò.”

Ngọc Thương

“Nếu mai đây ta cách xa nhau

Trong lưu bút sẽ thay người hiện diện

Để nhớ mãi tình ta trong lưu luyến

Trái tim hồng ở lứa tuổi ngây thơ.”

Ngọc Thuý

“Sao gặp nhau lại cứ phải chia tay

Con tàu đến rồi đi nhanh quá đỗi

Sân ga cô đơn tự mình không hiểu nổi

Tháng năm vơi đầy nỗi nhớ niềm thương

Mười hai năm ròng dưới mái trường

Trong tình thương thầy cô bè bạn

Mười hai năm cứ tưởng dài vô hạn

Đã sắp hết rồi, nhanh quá thời gian.”

Thị Huệ

Tất cả giờ đây chỉ còn là ký ức, một ký ức thật đẹp!!!

Tôi rất thích bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” của Nguyễn Xuân Phương, lời bài hát cũng là thông điệp tôi xin gởi đến mọi người :

“ Nếu có ước muốn trong cuộc đời này. Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại. Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng sẽ còn mãi trong tim mọi người. Để tình yêu ước mơ mãi không phai.

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này. Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại. Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm, để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa.”

Nghề giáo là một trong những nghề cao quý nhất, và thầy cô là những người lái đò thầm lặng, cứ lặng lẽ chèo con đò, đưa chúng tôi qua sông, đi đến chân trời lạ. Và trên dòng sông tri thức đó, những ai đã sang được bến bờ bên kia, có khi nào trở lại chốn này để thăm người láy đò ấy, thăm lại con đò ấy không ? Hay là đã ra đi biền biệt không hẹn ngày về, và đã quên đi bến sông xưa? Để phó mặc cho thời gian, cho sóng gió xô đẩy con đò. Biết đâu rằng, một ngày kia giông bão nổi lên, nhấn chìm con đò ấy xuống tận đáy sông sâu? Nếu cuộc đời được ví như một chiếc cầu bập bềnh và các khoảng lặng nhìn lại là thoáng chốc thì tôi chỉ xin một điều rằng: có khi nào dừng chân trong giây lát thì mọi người hãy nhớ về mái trường xưa, nhớ về thầy cô, bè bạn, để được đắm mình vào dòng sông kí ức, để trở về với tuổi thơ, về với thời áo trắng tinh khôi, để cho nuối tiếc sẽ không chỉ là nuối tiếc nhé!!!

Ngô Văn Hậu - Lớp 95 K33

(giải ba cuộc thi viết online 20/11)


Bookmark and Share

0 comments:

Post a Comment